Anh Khang - chủ vựa thu mua sầu riêng ở Cần Thơ - cho biết cả tuần nay không gom được sầu riêng để trả đơn cho các mối trong nước. Nguyên nhân, giá mặt hàng này tại vườn tăng đột biết. Trong khi đó, thương lái liên tục tăng giá nên nhà vườn chỉ bán cho những cơ sở trả giá cao.
"Ở Cần Thơ, mỗi kg sầu riêng tại vườn có giá 150.000 đồng một kg nhưng khó có hàng để mua. Đây là mức hiếm có từ trước tới nay", anh Khang nói.
Mấy ngày qua, chị Hạnh - một thương lái ở Cai Lậy (Tiền Giang) - cũng phải lùng mua sầu riêng khắp nơi để đóng hàng gửi đi Trung Quốc. Chị cho biết sẵn sàng mua giá cao và có hoa hồng cho người giới thiệu vườn.
Tương tự, chị Linh, một thương lái lâu năm tại đây, cho hay đang chi mức hoa hồng 1.000 đồng một kg cho người giới thiệu vườn sầu riêng đến vụ thu hoạch. "Đây là lần đầu tiên tôi chi hoa hồng cho người giới thiệu. Tuy vậy, hiện vẫn không đủ nguồn hàng để cung ứng cho đối tác", chị Linh nói.
Theo chị Linh, giá thu mua sầu riêng tại Tiền Giang đang tăng mạnh và lên mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Đối với sầu riêng monthong Thái loại A (trái 2-5 kg) giá thu mua tại vườn 190.000 đồng một kg, loại B là 150.000 đồng, loại C là 120.000 đồng, cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Còn với Ri 6 giá thu mua đang thấp hơn so với monthong 20.000-30.000 đồng một kg.
Tại kho đóng hàng ở Tiền Giang, thương lái đang bán sầu riêng cho đối tác xuất đi Trung Quốc giá 290.000 đồng một kg với monthong loại A, loại B là 210.000 đồng, với Ri 6 giá dao động 170.000-230.000 đồng một kg.
Nhiều thương lái cho biết giá sầu riêng tăng "sốc" là do nhu cầu phía Trung Quốc tăng gấp nhiều lần so với những năm trước. Vài ngày gần đây, họ thu mua hàng trăm tấn mỗi ngày để xuất đi nhưng lượng đáp ứng chỉ đạt khoảng 30-50% do đang trái vụ, sản lượng thấp.
Mỗi ngày, chị Linh chỉ thu mua được khoảng 16-17 tấn trong khi nhu cầu lên tới trăm tấn. "Hàng có đến đâu được đóng gói cho đối tác hết đến đó", chị Linh nói.
Bên cạnh nhu cầu tăng, các thương lái cho biết Việt Nam đang có nhiều thông tin thuận lợi khi số lượng các lô hàng chính ngạch được xuất gia tăng. Song song đó, các lô hàng xuất đi bằng đường bộ thông suốt hơn khi Trung Quốc không còn siết chính sách "Zero Covid-19"
Ngoài ra, theo Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp, diện tích sầu trái vụ thấp. Do đó, sầu riềng đạt chuẩn để xuất khẩu ít khiến hàng khan hiếm và trở nên đắt đỏ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, tính đến đầu năm 2023, tỉnh có khoảng 20.000 ha sầu riêng, sắp tới sẽ có khoảng trên 13.000 ha vào chính vụ và cho sản lượng lên tới gần 300.000 tấn. Hiện, Trung Quốc chỉ mới cấp cho tỉnh vài mã số vùng trồng và tỉnh đã nộp hồ sơ, chờ thẩm định thêm khoảng 20 hồ sơ cho diện tích trên 1.000 ha.
Để thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh này đang phối hợp với chính quyền các địa phương tập huấn thủ tục lập hồ sơ xuất khẩu chính ngạch cho các doanh nghiệp và hợp tác xã với mục tiêu có khoảng 50% diện tích được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng ước đạt gần 400 triệu USD, riêng xuất sang Trung Quốc khoảng 300 triệu USD.
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, sầu riêng Việt có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc. Nếu sầu Thái Lan và Philippines đều thu hoạch theo mùa, Việt Nam có hàng xuất khẩu quanh năm. Quãng đường vận chuyển sầu riêng từ Việt Nam sang Trung Quốc chỉ mất khoảng 1,5 ngày, đảm bảo sầu tươi ngon, chi phí vận chuyển tính vào giá thành sẽ rẻ hơn hàng của các đối thủ cạnh tranh. Hiện, giá sầu riêng Việt bán tại Trung Quốc vẫn rẻ hơn nhiều so với Thái Lan và Philippines nên phù hợp chi tiêu với số đông người dân nước này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện năng suất bình quân của mỗi ha sầu riêng từ 20-25 tấn. Nếu thu hoạch và bán với giá trên 100.000 đồng, doanh thu của nhà vườn sẽ đạt trên 2 tỷ đồng một ha. Sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân có thể thu lãi từ khoảng một tỷ đồng.