Chị Nguyễn Thị Thùy Linh - thương lái chuyên thu mua nông sản ở Tiền Giang - cho biết kể từ khi bùng dịch đến nay, đây là năm người thu mua nông sản làm việc tất bật nhất. "Các năm trước, sầu riêng, mít, xoài chỉ dám thu mua với số lượng giới hạn để bán trong nước, nay chúng tôi liên tục tăng giá mới gom được hàng xuất khẩu", chị Linh nói.
Tương tự, chị Thanh Mai, thương lái thu nông sản tại Tây Nguyên cho hay thời gian qua gom hàng liên tục vẫn không đủ để phục vụ việc xuất khẩu. Hiện, giá khoai lang tại vườn 14.000 đồng một kg, khoai môn sáp 20.000 đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vạn Xuân Phát cũng cho biết mỗi tháng xuất cả nghìn tấn sầu riêng sang Trung Quốc theo đơn đặt hàng từ đối tác. Hay như Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T đã có hợp đồng xuất khẩu 1.500 container (mỗi container 15 tấn) sầu riêng trong năm nay sang thị trường này.
Ngoài ra, tại Bình Phước, Đồng Nai, nhiều công ty đang chuẩn bị các đơn hàng xuất khẩu 500.000-600.000 tấn sầu riêng cho đối tác Trung Quốc.
Bên cạnh đó, gạo Việt cũng được thị trường này đón nhận sau một năm đóng cửa vì chính sách "zero Covid". Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, gạo xuất khẩu tháng 2 đi Trung Quốc và Philippines tăng mạnh.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Trung Quốc, Philippines, châu Phi, châu Âu... đang tích cực thu mua gạo dự trữ. Nhiều doanh nghiệp nhận được các đơn hàng lớn từ các thị trường này. Thời gian tới, việc xuất khẩu gạo tiếp tục khởi sắc khi Việt Nam đang có nhiều lợi thế do các đối thủ gặp khó bởi tác động của lạm phát và biến đổi khí hậu.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc hai tháng đầu năm nay đạt 1,27 tỷ USD, đưa nước này thành khách hàng lớn nhất của Việt Nam, chiếm 20,2% tổng giá trị xuất khẩu nông sản.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng nông thủy sản Việt nói chung và ngành hàng rau quả nói riêng dự báo bứt tốc mạnh nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng.
Theo ông Nguyên, hàng sang nước này đang được hưởng lợi lớn khi biên giới hai nước đã được khôi phục thông quan trở lại và Việt Nam đã ký nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, mít, khoai lang, tổ yến.
Ngoài ra, sau khi mở cửa, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tích cực tìm kiếm thêm đối tác từ Việt Nam để đẩy mạnh kinh doanh và tăng hàng dự trữ vào thị trường tỷ dân này.
Tại diễn đàn thúc đẩy nông thủy sản vào Trung Quốc đầu tháng 3, nhiều doanh nghiệp nước này cho biết rất cần mua hàng Việt. Trong đó, ông Tô Vạn Quang – đại diện Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng có trụ sở tại Quảng Tây, cho rằng công ty dự kiến mua 35.000 tấn sầu riêng, trong đó mua từ Việt Nam là 15.000 tấn. Công ty cũng có nhu cầu mua 120.000 tấn khoai lang tím, cá basa, cá hố và các loại hải sản khác.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản - VASEP, để đẩy mạnh việc xuất khẩu hơn nữa, Việt Nam cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp với các địa phương Trung Quốc. Ngoài ra, nhà chức trách cần cung cấp thông tin nhanh về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam.
Với ngành hàng rau quả, ông Nguyên cho rằng các doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường. Bên cạnh việc minh bạch hóa thông tin thị trường, Việt Nam nên có phương án đẩy mạnh quản lý về mã số vùng trồng, vùng nuôi và thúc đẩy xúc tiến thương mại.
Ông dự báo xuất khẩu rau quả sang thị trường 1,4 tỷ dân này sẽ bùng nổ, đạt 2,5 tỷ USD, thậm chí chạm mốc 3 tỷ USD năm nay.