Để cây sầu riêng ra hoa tập trung, hoa mập thì giai đoạn này cần thường xuyên thăm vườn, để nắm bắt tốt tỷ lệ ra hoa trên cây. Từ đó có các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cho vườn cây kịp thời và phù hợp nhất.
1. Tưới nước nuôi hoa.
- Thời điểm tưới: Khi mầm hoa ra sáng đều (dài 3-4cm) trên các vị trí để trái, chiếm tỷ lệ từ 60-80% trên vườn thì tưới nước trở lại. Không nên tưới sớm (khi mầm hoa vừa nhú mắt cua, nhú chân chim) sẽ có các tác hại sau:
+ Các bông ở đầu cành phát triển mạnh (nơi không khuyến cáo để trái vì dễ bị gãy cành). Còn các mầm hoa ở vùng mang trái bị rơi vào trạng thái ngủ (đui bông) nên sẽ mất sản lượng.
+ Kích thích phát triển lá trên mỗi chùm bông, dinh dưỡng tập trung nuôi lá làm hoa nhỏ lại, cuống hoa dài, yếu ớt, ảnh hưởng đến đậu trái, nuôi trái.
- Lượng nước tưới:
+ Trong giai đoạn nhú mắt cua tới hoa xổ nhụy (trung bình từ 50-55 ngày) chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (7-10 ngày sau khi mắt cua sáng): tưới nhấp nước từ 2-3 đợt, cách nhau mỗi đợt từ 2-3 ngày (trung bình từ 100-150L/lần/cây).
- Giai đoạn 2 (10-40 ngày sau mắt cua sáng): tưới đủ nước cho cây trung bình từ 200-350L/cây/2-3 ngày 1 lần tưới.
- Giai đoạn 3 (40-55 ngày sau mắt cua sáng): giảm lượng nước tưới lại để hạt phấn khỏe, cây thụ phấn tốt với lượng nước từ 100-150L/cây/2-3 ngày tưới 1 lần.
Lưu ý:
Tưới xòe đều nước từ bên ngoài tán vào bên trong cho đến khi nước vừa chảy tràn trên mặt đất. Ưu tiên tưới bên dưới tán cây vì nơi đó tập trung rất nhiều rễ tơ hút nước.
2. Về dinh dưỡng.
a. Phân bón lá:
Giai đoạn này cây rất cần các nguyên tố trung lượng, vi lượng để hình thành hạt phấn, tăng sức sống của hạt phấn và tạo độ dai chắc cho cuống hoa. Vậy nên sử dụng phân bón lá như sau:
Thời điểm phun và loại phân bón lá:
- Lần 1: Sau khi bắt đầu tưới nhấp nước lại tiến hành phun xịt phá miên trạng, rước hoa bằng các sản phẩm như: P17 (8-52-17) (500g/200L) + P30 (6-30-13) (500g/200L) + Frofarm Bud (40g/200L) hoặc NPK (6-32-32) (500g/200L)+ (10-55-10) (500g/200L) + Frofarm Bud (40g/200L)…
- Lần 2: Sau lần một 5-7 ngày xịt dưỡng và kéo thêm một cơi lá non bằng các sản phẩm như: N29(500g/200L), N35(500g/200L), NPK 33-11-11(500g/200L), 30-20-10(500g/200L)…+ Fruity(40g/200L), Topmicro(40g/200L),… (Xử lý liên tục 2 lần, cách nhau 5 ngày/lần).
- Lần 3: Sau lần hai 10 ngày hỗ trợ hạn chế rụng hoa, dưỡng hoa bằng các sản phẩm như: NPK 21-21-21(500g/200L), NPK 15-30-15(500g/200L), … + Canzinc (250ml/200L), Lmicro(250ml/200L), Frofarm Bud (40g/200L)… xịt định kỳ 10-15 ngày/lần.
- Trước khi hoa xổ nhụy 7 ngày xịt hổ trợ bằng các sản phẩm như: Lbor, Farmicro Bor, Canzinc,…tăng sức sống hạt phấn và khả năng đậu trái cho cây.
b. Phân bón gốc
- Thời điểm bắt đầu bón: bón vào giai đoạn khi tưới đủ nước cho cây
- Loại phân bón:
Bón 8-10kg HCVS/cây hoặc 5-8kg phân nở kết hợp tưới Humic… + Men Trichoderma để phục hồi bộ rễ.
Sau 3-5 ngày bón bổ sung đa, trung vi lượng nhằm dưỡng hoa và kéo cơi lá non bằng sản phẩm như 15-15-15, 16-16-16… với liều lượng từ 1-1,5kg.
3. Quản lý sâu bệnh hại.
a. Phòng trừ sâu hại
Các đối tượng gây hại chính cho giai đoạn này như rệp sáp, sâu ăn hoa, nhện đỏ, rầy xanh,...
+ Thường xuyên dùng các sản phẩm thuốc sâu sinh học giúp phòng và ngăn chặn các loại gây hại trên như: Nấm xanh BT MET, Nấm 3 Màu, ….
+ Khi phát hiện đối tượng gây hại trên 5%, tiến hành xử lý bằng các sản phẩm có hoạt chất như: Abamectin, Emamectin, Imdacloprid, Acetamiprid, Buprofezin, Diafenthiuron …
+ Luân phiên các loại thuốc giữa các đợt xịt, để tránh các đối tượng sâu rầy gây hại kháng thuốc.
b. Phòng trừ bệnh hại
+ Các bệnh gây hại chính giai đoạn này như bệnh thán thư, khô hoa, nứt thân xì mủ, …
+ Giai đoạn này tiến phòng bệnh định kỳ 30-40 ngày/lần bằng các sản phẩm Men Tricho Nema, Tricho Meta, …
+ Khi phát hiện bệnh gây hại trên 5% thì tiến hành xử lý bằng các hoạt chất như: Hexaconazole, Tricyclazole, Quatemary Ammonium Salts, Metalaxyl, Propineb…
4. Tỉa hoa:
Tỉa hoa nhằm loại bỏ bớt hoa mọc ở những vị trí không cần thiết, qua đó cây sẽ tập trung dinh dưỡng để nuôi dưỡng hoa còn lại tốt hơn.
Tỉa chùm hoa:
Thời điểm: Khi chùm hoa hình thành đạt từ 3-5cm.
Cách làm:
+ Đối với cành cấp 1, vị trí để chùm hoa đầu tiên cách thân từ 20-40cm. Cây càng lớn, cành ở dưới thấp thì vị trí để chùm hoa đầu tiên càng cách xa thân. Nếu để hoa, quả gần thân thì hoa, quả ở vị trí này phát triển rất kém.
+ Đối với cành cấp 2, giữ lại những chùm hoa ở vị trí cành to, khỏe, ở nách cành cấp 2, không để hoa ở đầu cành, vì nếu đậu quả dễ bị gió giật gây tổn thương các cành lân cận và khó thu hoạch. Chọn các chùm hoa khỏe hướng xuống dưới (không để các chùm hoa hướng ngang hoặc mọc sai vị trí). Tùy sức khỏe của cành mà để 4-8 chùm hoa/cành. Khoảng cách giữa các chùm hoa cách nhau 20-25cm. Không để quá dày làm cho hoa nhỏ, cạnh tranh dinh dưỡng.
Tỉa bớt hoa trong một chùm:
- Thời điểm tỉa: Khi hoa dài khoảng 8-10cm.
- Cách làm: Số lượng hoa trong chùm rất nhiều, có chùm lên đến trên 45 hoa. Vì vậy cần tỉa bớt những hoa trên cùng một chùm. Ưu tiên giữ lại những nụ hoa ra cùng đợt và những hoa tròn, mập, cuống hoa khỏe, hoa không bị nhiễm sâu bệnh. Để không quá 10 hoa/chùm.